Hành trình Di sản miền Trung 2021

11/04/2021 01:01

Đúng 5h sáng ngày 10/04/2021, 4 chiếc xe chở thày trò Viện Du lịch khóa 7 Trường Đại học Kinh Bắc chính thức lăn bánh trong thời tiết mưa lạnh của miền Bắc, bắt đầu chuyến Hành trình di sản miền Trung 7 ngày 6 đêm. 

Đồng hành cùng chuyến đi lần này có thày Nguyễn Đức Thắng, Viện trưởng Viện Du lịch, cô Trịnh Thị Thúy, Phó Viện Trưởng, thày Nguyễn Quốc Phương, thày Nguyễn Văn Thảo và cô Nguyễn Minh Thương.

Địa điểm đầu tiên, đoàn dừng chân là Ngã Ba Đồng Lộc,túi bom chảo lửa trong kháng chiến chống Mỹ, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong hi sinh. Đoàn đã làm lễ dâng hương và nghe thuyết minh tại di tích, xem những tư liệu vô cùng cảm động về cuộc đời những cô gái anh dũng đã đi vào huyền thoại khiến thày trò ai nấy cũng đều rưng rưng xúc động. Không khí linh thiêng gợi lại những câu thơ trong bài thơ “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận: “Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng sông, bằng thuỷ triều lên xuống, Hay bằng đá, bằng đất Bằng xi măng cốt sắt Bằng vôi trắng, gạch nâu Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã, Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu. Khi con về quê con nhớ viếng thăm Mộ người cô kề bên đường đỏ. Các cô như còn đứng đó Chờ lấp hồ bom Đường thông xe các cô mới đi  nằm. Các cô để lại tuổi thanh niên Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi Cho đất nước, quê hương Hồn trong như suối, Bình minh đời sáng rực vừng dương...”


Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến hành trình di sản miền Trung chính là di sản thiện nhiên thế giới Động Phong Nha vườn quốc gia Kẻ Bàng. 
Động Phong Nha giấu mình trong vùng núi đá vôi Kẻ Bàng bao phủ những cánh rừng nguyên sinh, được đánh giá là hang động đẹp lộng lẫy với hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ. Tới đây, thày trò Viện Du lịch được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng kĩ vĩ, tráng lệ mà tạo hóa tạo ra.

Rời Phong Nha – Kẻ Bàng, đoàn di chuyển tới nghĩa trang Trường Sơn, nơi an nghỉ của hơn mười ngàn liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu quốc.

Nghĩa trang Trường Sơn như một minh chứng cho tội ác của kẻ thù và cũng là sự bi tráng của những người con đất Việt đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Đến với nơi yên giấc của các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, ai cũng ngậm ngùi bởi đứng trước vong linh của những anh hùng đã ngã xuống, chúng ta cảm thấy đang nợ những người đã ngã xuống, nợ Tổ quốc một điều gì đó rất lớn lao. Điều khiến ai cũng thắt lòng bởi những người đã ngã xuống phần lớn chỉ mới bước vào tuổi mười tám đôi mươi. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân và bạn bè lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã không quay về mà mãi mãi yên giấc ngàn thu tại mảnh đất đầy cát trắng và gió Lào.
Rời xa miền đất Quảng Trị "hoa lửa", đoàn tiếp tục lên đường đến với thành phố Huế, được nghe ca Huế trên dòng sông Hương, thả hồn vào những điệu hò, những câu hát nam ai, nam bình sâu lắng…

Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lạị “Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng! Tương tư với nguyệt cùng mây Hỏi non nước ấy đắm say bao tình?”
Sáng 12/04/2021, đoàn lại tiếp tục ghé thăm Hoàng thành Huế - nơi chứng kiến toàn bộ sự hưng vong của triều đại nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử Việt Nam
Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Thày và trò Viện Du lịch khóa 7 Trường Đại học Kinh Bắc được chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc, các đền đài, cung điện có giá trị văn hóa và kiến trúc đặc biệt nổi bật như Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng – Điểm nhấn đặc trưng của lịch sử Huế; Điện Thái Hòa – biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn; Kỳ Đài – Biểu tượng trung tâm của cố đô Huế…

Sau đó, Đoàn tới thăm lăng Khải Định, hay còn gọi là Ứng Lăng, khu lăng mộ của vị vua thứ 12 triều Nguyễn – Khải Định. Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ, thuộc đại phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, nằm bên ngoài kinh thành Huế, cách trung tâm thành phố chừng 10 km.

Đây được coi là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật và kiến trúc trong tất cả các lăng tẩm ở Huế. Tới đây, các bạn sinh viên không giấu nổi sự trầm trồ, thán phục trước kiệt tác hoành tráng, tuyệt mỹ từ Cổng Tam Quan, Nghi Môn và sân Bái Đính, cung Thiên Định tới điện Khải Thành, tượng đồng vua Khải Định.
Khoảng 17h chiều, đoàn trở về khách sạn tại Đà Nẵng, khám phá biển Mỹ Khê, kết thúc ngày thứ 3 của cuộc hành trình.

Địa điểm đầu tiên trong chuyến hành trình ngày thứ tư của sinh viên Viện Du lịch khóa 7 Trường Đại học Kinh Bắc chính là chùa Linh Ứng - Ngôi Chùa Linh Thiêng Nhất Tại Bán Đảo Sơn Trà.
Chùa Linh Ứng được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với nét truyền thống vốn có của các ngôi chùa tại Việt Nam, mái ngói được uốn cong có hình con rồng, các cột trụ to và vững chắc được người thợ tỉa tót rất kỹ lưỡng tạo thành hình những con rồng uốn lượn một cách tinh xảo và nghệ thuật. Các bạn sinh viên không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến tận mắt bức tượng Phật Quan Thế Âm cao tới 67m, đường kính tòa sen là 35m) hiện đang là bức tượng cao nhất Việt Nam. “Tượng Phật Quan Thế Âm đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa.”

Sau khi tham quan chùa Linh Ứng, Đoàn tiếp tục khám phá Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn với năm ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được nằm theo hệ Ngũ Hành là một kiệt tác của thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Nhìn từ trên cao Ngũ Hành Sơn giống như một bàn tay của Trời ấn định nơi đây là vùng đất thiêng. Tới Ngũ Hành Sơn, thày và trò như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Hành trình tiếp theo là thánh địa Mỹ Sơn, nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng gần 70 cây số, thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tới đây, các bạn sinh viên được tận mắt chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc gồm nhiều đền đài Chămpa cùng kiến trúc vô cùng độc đáo. Một điều tuyệt vời nữa đó chính là những điệu múa Siva huyền diệu. Những điệu múa ấy hiện ra giữa núi rừng hoang sơ một cách sinh động và đầy uyển chuyển, để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.

Địa điểm cuối cùng kết thúc hành trình ngày thứ 4 là thành phố cổ Hội An xinh đẹp. Buổi tối ở Hội An hiện ra vô cùng lung linh, thơ mộng. Các bạn sinh viên có cơ hội được khám phá những điểm đến nổi tiếng hấp dẫn nhất Hội An như chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, hội quán Phúc Kiến, Bảo tàng Hội An, chợ đêm…Khi ra về mà ai nấy vẫn còn lưu luyến không rời.

Chuyến hành trình di sản miền Trung đã bước sang ngày thứ 5. Địa điểm dừng chân tiếp theo của Đoàn là Thành cổ Quảng Trị, di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến lịch sử của dải đất miền Trung. 
Bước vào khuôn viên thành cổ là cả một không gian xanh, mỗi thảm cỏ trưng bày nhiều tượng đài ca ngợi sự hy sinh oanh liệt của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Trên những tảng đá được mài khắc những câu thơ cảm xúc:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”
của cựu chiến binh Thành cổ Phạm Đình Lân, hay “Hễ có Việt Nam có Cổ Thành/ Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất từng giây mỗi lá cành” (Trần Bạch Đằng)...

Trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể, ngôi mộ chung cho tất cả các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Để bước lên Đài, cần vượt qua 81 bậc thang - tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu, tới cây hương cũng cao 8,1m; xung quanh có 81 bức phù điêu như 81 tờ lịch ghi lại từng ngày của cuộc chiến đấu anh dũng, bắt đầu từ ngày 28-6, kết thúc ngày 16-9-1972. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Rời thành cổ Quảng Trị, đoàn di chuyển về Đồng Hới, ăn tối tại nhà hàng và dự tiệc Gala dinner tổng kết chuyến đi. Không khí sôi động của bữa tiệc, những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc, những trò chơi vô cùng hấp dẫn khiến cho cả hội trường sôi động hơn bao giờ hết. Tuổi trẻ, sức trẻ làm cho tất cả thày trò như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới để tiếp tục học tập, tiếp tục cống hiến.


Ngày thứ sáu, đoàn rời Quảng Bình, ăn trưa tại thành phố Vinh và khởi hành thăm quê Bác. Cách Thành phố Vinh khoảng 16km, làng Sen (Kim Liên) thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là quê nội của Bác. Đây là 1 trong 4 di tích quan trọng bậc nhất cả nước và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Chính ở Làng Sen này, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng chào đời và sinh sống ở đây những năm thiếu thời. Ngôi làng với hương sen thơm ngát, cùng khung cảnh bình dị mang tới cho thày trò cảm giác yên bình, dễ chịu ngay từ khi lần đầu ghé thăm.

Sau khi thăm quê nội, đoàn tiếp tục ghé thăm làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ. Đây là quê hương của thân mẫu Bác Hồ – cụ bà Hoàng Thị Loan, cũng chính là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc được ông bà ngoại của Bác nhận nuôi dưỡng, giáo dục thành tài.
Dưới mái nhà tranh của quê ngoại, quê nội, sống trong tình thương yêu của gia đình, họ tộc và bà con xóm giềng đã nuôi dưỡng trong Bác một tâm hồn yêu thương với Đất nước và con người Việt Nam.
Một trong những hoạt động được mong chờ nhất của chuyến hành trình lần này chính là hoạt động chơi team building tại biển Cửa Lò. Những màu áo nổi bật, những trò chơi đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần đồng đội, những câu hò reo đầy phấn khích khiến tất cả du khách và người dân gần biển Cửa Lò không thể rời mắt dõi theo. Một UKB đầy sắc màu, một UKB trẻ trung, năng động, một UKB đang vươn mình bay xa.



Ngày thứ bảy, cũng là ngày cuối cùng của hành trình di sản miền Trung, đoàn xe chở thầy và trò khóa 7 Viện Du lịch Trường Đại học Kinh Bắc dừng chân tại FLC Sầm Sơn, khu nghĩ dưỡng 5 sao bậc nhất nơi đây.
FLC Luxury Hotel Sầm Sơn được thiết kế theo hình cánh cung, với tầm nhìn hướng trọn ra biển Sầm Sơn tuyệt đẹp. FLC Luxury Hotel Sầm Sơn trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách khi đi du lịch Sầm Sơn. Các bạn sinh viên chuyên ngành lữ hành được đi tham quan, giới thiệu toàn bộ khu nghỉ dưỡng với những địa điểm tuyệt đẹp khiến ai nấy đều trầm trồ chiêm ngưỡng.

Các bạn sinh viên chuyên ngành khách sạn được các anh chị hướng dẫn tận tình, chu đáo nghiệp vụ F&B, FO và học tập được rất nhiều kinh nghiệm thực tế, rất bổ ích cho công việc sau này. Đoàn ăn trưa tại khách sạn, sau đó di chuyển về thành phố Bắc Ninh.

Khoảng 17h00 ngày hôm ấy, đoàn xe dừng chân tại khuôn viên kí túc xá trường Đại học Kinh Bắc, kết thúc hành trình thực tế dài ngày và đầy kỉ niệm. Đây có lẽ sẽ là khoảng thời gian đáng quý nhất đối với cả thầy cô và các bạn sinh viên khóa 7 Viện Du lịch, khi mọi người cùng ăn, cùng chơi như người một nhà. Văng vẳng đâu đây vang lên câu hát
“Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Cho bao khát vọng,đam mê cháy bỏng
Sẽ còn mãi trong tim mọi người
Để tình yêu ước mơ mãi không phai…”
 

Các tin khác

Bản destop