Chọn trường hay chọn ngành học?

08/03/2017 21:46

Bước vào những năm cuối cấp phổ thông, điều mà cả học sinh và phụ huynh quan tâm là chọn trường nào để đăng ký theo học? Chọn trường “có tiếng” để dễ xin việc, để bằng bạn bằng bè hay chọn ngành học mà mình yêu thích vẫn là nỗi băn khoăn lớn chưa thể giải tỏa.

Thực trạng cũ còn tồn tại?
Mông lung trong định hướng nghề nghiệp dẫn đến chọn sai trường thậm chí đưa đến hệ quả là tốt nghiệp đại học vẫn không biết làm gì. Phụ huynh với mong muốn lo cho con cái có một tương lai vững chắc, một công việc ổn định đã chủ động quyết định chọn trường, chọn ngành cho con mà không quan tâm tới sở thích, khả năng thực sự của đứa trẻ. Bên cạnh đó, chính các bạn học sinh cũng thường phó mặc tương lai cho người khác. Nhiều bạn đến tận khi học năm lớp 12 mới mở cuốn “Tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng” chọn đại một ngành học và trường học.

Học sinh mông mung trước sự lựa chọn ngành học và trường học
Vì chọn trường không phù hợp, chọn ngành nghề không đúng với khả năng của bản thân dẫn tới thực trạng không ít sinh viên bỏ học giữa chừng để chuyển đổi sang một ngành học, trường học khác hoặc ra trường làm trái ngành, trái nghề. Theo một nghiên cứu của Viện Tâm lý học Việt Nam, có tới 58.7% các em học sinh phổ thông chọn nghề do sở thích cá nhân/sở thích cha mẹ mà không hề tính tới sự phù hợp năng lực cũng như nhu cầu nghề của xã hội. Điều đó dẫn tới những con số “báo động” về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường là 63%, còn tỉ lệ cử nhân làm trái ngành lên tới 70,8%.
Sự chuyển biến trong việc lựa chọn ngành học và trường học
Năm 2016 với những đổi mới trong việc tổ chức tuyển sinh, nhiều số liệu cho thấy sự biến chuyển về nhận thức. Theo thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT, năm nay, số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia hơn 887.000, trong đó có đến 286.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 32%. Điều này chứng tỏ dường như các thí sinh ’thực tế’ hơn, khi chọn ngành nghề đã biết đánh giá và xem xét dựa trên năng lực của bản thân không còn đăng ký theo cảm tính hay theo phong trào như trước.
Thậm chí, nhiều gia đình và học sinh đã có những phương án dự phòng như chọn thi các trường đại học ngoài công lập có thương hiệu và uy tín. Về phía các bậc cha mẹ, nhiều người tư tưởng cũng bắt đầu mở hơn, họ để con tự quyết trong việc chọn trường, chọn ngành để học.  “Với tôi, quan trọng không phải là trường công hay tư mà là họ sẽ đào tạo con tôi trở thành người như thế nào” chia sẻ của một vị phụ huynh tại chương trình tư vấn tuyển sinh.
Vậy ….chọn trường hay chọn ngành học?
Bản chất của việc chọn trường hay chọn ngành học là giải quyết được vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực tế đã cho thấy, để giải bài toán này thì việc quan trọng hàng đầu là bản thân người học phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, xác định được ngành nghề theo đúng sở trường và nguyện vọng của bản thân rồi mới chọn trường phù hợp với khả năng của mình.

Định hướng được nghề nghiệp là việc ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn ngành và trường học
Chọn trường không nhất thiết phải là trường danh tiếng, mà điều cần quan tâm hơn là trường đó có ngành mình muốn theo học, “vừa sức” với khả năng của bản thân. Nhiều bạn đã chọn được ngành mình yêu thích nhưng lại chọn trường vượt quá sức học nên thất bại.
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, không còn quan ngại nhiều về vấn đề trường công hay tư, miễn là trường có thể đáp ứng được nhu cầu của người học, có đủ cơ sở vật chất đảm bảo cho việc rèn luyện, học tập và hoàn thiện bản thân. Trong thời đại internet, việc tiếp cận và theo dõi thông tin về các trường, các ngành cũng trở nên dễ dàng hơn bởi thông tin được update liên tục trên các trang thông tin điện tử hay chính website của các trường Đại học, cao đẳng.
Bên cạnh việc chọn ngành học nên xác định thêm mong muốn của bản thân về nơi làm việc, nơi mình muốn gắn bó và phát triển trong tương lai để xác định môi trường học tập phù hợp thông qua việc tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, về lĩnh vực trọng điểm của địa phương.

Các tin khác

Bản destop